Tổng quan về sẹo: Nguyên nhân, phân loại và phương pháp điều trị
Sẹo là một trong những vấn đề mà làn da của chúng ta dễ gặp phải nhất, bởi vì chúng có thể được hình thành một cách dễ dàng chỉ từ một vết thương nhỏ ngoài da. Có rất nhiều nguyên nhân hình thành nên nhiều loại sẹo khác nhau. Với mỗi loại sẹo lại phải áp dụng phương pháp điều trị riêng biệt sao cho phù hợp với đặc tính của chúng. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu những thông tin hữu ích nhất về sẹo.
- Sẹo là vấn đề da liễu rất phổ biến hiện nay
Sẹo là gì?
Sẹo là một phần tự nhiên của quá trình phục hồi vết thương sau bất kỳ một sự cố, chấn thương nào đó. Bất kỳ sự tổn thương nào xảy đến với làn da của bạn đều có nguy cơ để lại một vết sẹo đánh dấu vị trí vết thương tại đó. Hầu hết các vết sẹo được hình thành từ các vết thương và tổn thương hở trên da. Mức độ sẹo nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ tổn thương da, cách điều trị và chăm sóc vùng da bị tổn thương.
Nguyên nhân hình thành sẹo
Có rất nhiều nguyên nhân hình thành nên sẹo phát sinh từ cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Sẹo chủ yếu được hình thành từ những tổn thương trên da, đặc biệt là vết thương hở như đứt tay, vấp ngã trầy xước da, bỏng da, tai nạn, phẫu thuật,… Ngoài ra, chúng cũng có thể được tạo nên từ một số bệnh lý về da liễu như mụn trứng cá, thủy đậu, lang ben,…
Thông thường, quá trình lành vết thương và sự hình thành sẹo sẽ trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn viêm sưng: Đây là phản ứng có lợi theo cơ chế hoạt động tự nhiên của cơ thể. Các bạch cầu di chuyển đến vị trí vết thương và loại bỏ các mảnh vỡ tế bào, vi khuẩn và các mầm bệnh ra khỏi cơ thể. Nhờ vậy mà giai đoạn này giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn hiệu quả.
- Giai đoạn tăng sinh: Ở giai đoạn này collagen được sản xuất mạnh mẽ hơn giúp làm liền miệng vết thương, các mạch máu nhỏ và mao mạch được hình thành nhằm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng giúp phục hồi vùng da bị tổn thương.
- Giai đoạn tái tạo: Diễn ra khi bề mặt vết thương đã lành hẳn, vùng da ở miệng vết thương đã liền lại. Tuy nhiên, bên dưới vùng da đó, việc tích tụ mô xơ gây sẹo vẫn liên tục hoạt động trong khoảng thời gian dài tiếp theo. Đặc biệt, trong khoảng 1 vài tháng đầu sau khi lành vết thương, lúc này quá trình hình thành sẹo mới diễn ra mạnh mẽ nhất và gần như thời điểm này quyết định mức độ sẹo về hình dạng, kích thước và kiểu sẹo.
- Sẹo được hình thành qua 3 giai đoạn chính
Các loại sẹo thường gặp
Sẹo có khá nhiều loại phổ biến, tùy thuộc vào đặc tính của vết thương và cơ địa làn da mỗi người mà loại sẹo tương ứng được hình thành. Cụ thể, quá trình hình thành sẹo phụ thuộc vào các yếu tố như: Độ sâu, kích thước, vị trí tổn thương trên da, tuổi tác, giới tính, gen di truyền,… Việc phân loại và xác định được các loại sẹo khác nhau giúp bệnh nhân có được sự lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Sẹo thâm (Hyperpigmentation Scars)
Sẹo thâm là sự tích tụ của các hắc tố melanin tại vùng da bị tổn thương, khiến cho da không đều màu, kém thẩm mỹ, đặc biệt là khi vị trí sẹo thâm nằm trên mặt. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra sẹo thâm như mụn trứng cá, bỏng da, vết trầy xước do tai nạn, phẫu thuật,… Sẹo thâm được coi là một trong những loại sẹo ở thể nhẹ và dễ điều trị nhất. Người bệnh có thể chỉ cần bôi thuốc tại nhà là khỏi hoặc sử dụng các phương pháp điều trị từ nguyên liệu tự nhiên mà không cần đến gặp bác sĩ.
Sẹo lồi (Keloid Scars)
Sẹo lồi hình thành do quá trình sản xuất collagen quá mức ở giai đoạn tái tạo làn da sau khi vết thương đã lành miệng. Tác nhân chính gây ra là do cơ địa của mỗi người. Sẹo lồi thường gây ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh do nổi hẳn lên bề mặt da khiến chúng trông rất nổi bật nếu nằm ở những vị trí hở như mặt, cổ, tay, chân. Sẹo lồi để điều trị cần phải dùng phương pháp phẫu thuật nên rất phức tạp và tốn kém cho người bệnh.
Sẹo phì đại
Sẹo phì đại có đặc điểm bên ngoài gần giống với sẹo lồi như sưng tấy, đỏ ửng, nổi rõ lên bề mặt da,… Tuy nhiên, sẹo phì đại vẫn có những đặc điểm riêng biệt như chúng không bị tác động bởi yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính; sẹo phì đại chỉ phát triển trong một thời gian nhất định, sau đó tự thoái lui sau khoảng 1 -1.5 năm. Ngoài ra, việc điều trị sẹo phì đại cũng cần dùng đến phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ nhưng kết quả điều trị lại khả quan hơn sẹo lồi, khả năng bị tái lại thấp.
Sẹo lõm (Atrophic Scars)
Sẹo lõm có đặc điểm nhận dạng ngược lại với sẹo lồi và sẹo phì đại. Chúng có hình thể lõm hố, rãnh sâu hoặc lún thấp hơn hẳn so với bề mặt da xung quanh. Nguyên nhân gây ra sẹo lõm cũng xuất phát từ quá trình hình thành collagen ở giai đoạn 3, sự thiếu hụt collagen tổng hợp ở vùng trung bì dẫn đến sẹo không được làm đầy.
- Sẹo rỗ là một hình thức thường gặp khác của sẹo lõm
Một hình thức thường gặp khác của sẹo lõm là sẹo rỗ. Chúng được hình thành chủ yếu do mụn trứng cá khiến vùng da bị tổn thương nặng và gần như không có khả năng phục hồi. Phương pháp điều trị chủ yếu đối với loại sẹo này là kích thích da sản xuất collagen nhằm tái tạo và phục hồi da tốt hơn.
Sẹo co rút
Sẹo co rút chủ yếu được hình thành từ di chứng của các vết thương bỏng, tai nạn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của làn da ở mức độ nghiêm trọng. Chúng khiến làn da bị kéo rút, dẫn đến giảm khả năng vận động. Thậm chí, nguy hiểm hơn, sẹo co rút còn phát triển sâu dưới lớp biểu bì gây ảnh hưởng đến các cơ và dây thần kinh trong cơ thể. Thông thường, để điều trị sẹo co rút, người ta phải mổ cắt toàn bộ dài xơ co rút để vùng cơ khớp đó có thể vận động được.
Sẹo giãn (Stretch Marks)
Sẹo giãn hay chính là các vết rạn da, thường xuất hiện ở vùng bụng, mông, đùi hoặc bắp chân. Chúng được hình thành do việc căng giãn da quá mức và đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn như mang thai, tăng giảm cân đột ngột,… Sẹo giãn có thể được điều trị bằng cách thoa kem/thuốc trị rạn da nếu ở mức độ rạn da nhẹ, còn với trường hợp bị sẹo giãn nặng thì cần can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ.
Sẹo trắng
Sẹo trắng xuất hiện khi vết thương đang trong quá trình phục hồi, thường gặp ở những vết thương sâu phía dưới lớp hạ bì và biểu bì. Chúng có thể làm thay đổi màu sắc da khiến da có các vệt trắng như ở vùng da bị rạn, thậm chí thay đổi cả cấu trúc da bên trong. Sẹo trắng thường bị ở các vùng nhiều khớp xương như đầu gối, khuỷu tay, bả vai,… Việc điều trị sẹo trắng cũng khó hơn sẹo thâm rất nhiều do chúng có sắc tố sáng hơn vùng da bình thường.
Các phương pháp trị sẹo hiệu quả nhất hiện nay
Mặc dù sẹo là một trong những vấn đề da liễu không gây đau nhưng nó lại khiến nhiều người bị ảnh hưởng về tâm lý, cảm thấy e ngại, tự ti trong các hoạt động xã hội. Chính vì vậy, việc điều trị chúng là rất cần thiết, nhất là với những vết sẹo nằm ở các vị trí dễ nhìn thấy như gương mặt, cổ, ngực, cánh tay,…
- Sẹo có thể được điều trị bởi nhiều phương pháp khác nhau với hiệu quả điều trị tương ứng
Hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị sẹo khác nhau. Do đó, với mỗi loại sẹo cần lựa chọn cách phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Sử dụng nguyên liệu tự nhiên làm mờ sẹo
Nếu bạn đang bị tổn thương da ở mức độ nhẹ như một vài nốt sẹo thâm do mụn hoặc chỉ là vết trầy xước nhẹ mới lành da thì đây chính là phương pháp phù hợp nhất dành cho bạn. Một số loại nguyên liệu tự nhiên có tác dụng rất tốt cho da như nha đam, dầu dừa, nghệ, chanh,…thường có mặt trong thành phần của nhiều loại kem trị sẹo hoặc mỹ phẩm dưỡng da. Chúng đều là nguyên liệu tự nhiên có thể ăn được nên rất lành tính, trị sẹo mức độ nhẹ hiệu quả. Dưới đây là một số nguyên liệu mà bạn có thể dùng để làm mờ vết sẹo.
- Nha đam: Có khả năng làm dịu da, mờ thâm, làm giảm sưng đỏ ở vết sẹo nhanh chóng nhờ thành phần có chứa chất chống oxy hóa.
- Dầu dừa: Loại tinh dầu chứa nhiều axit béo omega rất tốt cho việc phục hồi làn da, đồng thời dưỡng da mềm mịn hơn.
- Nghệ tươi/Tinh bột nghệ: “Thần dược” trị sẹo – chứa nhiều curcumin giúp tái tạo da, kháng viêm, chống oxy hóa, ngăn chặn sự hình thành sẹo ngay từ khi vết thương mới lành.
- Mật ong: Giúp chống viêm kháng khuẩn rất hữu hiệu, kích thích sự tái tạo của tế bào da, giúp da nhanh lành vết thương hơn, đồng thời loại bỏ nguy cơ để lại sẹo sau khi vết thương phục hồi.
- Chanh: Chứa nhiều vitamin C và axit citric giúp diệt khuẩn, kháng viêm, tái tạo tế bào da, loại bỏ các hắc tố melanin hiệu quả, từ đó chanh có thể chữa sẹo thâm nhanh chóng.
- Trà xanh: Nổi tiếng với công dụng chống oxy hóa và kháng viêm, ngừa khuẩn hữu hiệu, trà xanh giúp ngăn chặn việc hình thành sẹo ngay khi da mới lành vết thương, đồng thời tăng sức đề kháng, tăng độ đàn hồi cho da, kích thích tái tạo tế bào da mới.
- Lòng trắng trứng: Cung cấp độ ẩm, hỗ trợ tái tạo tế bào da mới, tăng độ đàn hồi cho da, từ đó giúp da khỏe hơn, giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo sau tổn thương da.
Lưu ý: Phương pháp điều trị sẹo này chỉ nên áp dụng với các trường hợp bị sẹo nhẹ. Người bệnh cần kiên trì thực hiện hằng ngày trong khoảng một vài tuần để thấy hiệu quả.
Thoa thuốc/kem hỗ trợ trị sẹo
Ngoài phương pháp thiên nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn phương pháp thoa thuốc/kem xóa sẹo đem lại kết quả nhanh hơn, phù hợp với mức độ sẹo nhẹ. Việc lựa chọn loại thuốc trị sẹo nào phụ thuộc vào loại sẹo bạn bị và mức độ nghiêm trọng của vết sẹo đó.
Hầu hết các loại kem/thuốc làm mờ sẹo hiện nay thường có chứa các hoạt chất sau: Hydroquinone, arbutin (chiết xuất từ cây bearberry), axit kojic (hoạt chất làm sáng da tự nhiên chiết xuất từ nấm), vitamin C, axit ascorbic,…
Mặc dù thuốc trị sẹo đem lại hiệu quả nhanh hơn so với việc dùng nguyên liệu tự nhiên, nhưng chúng lại có khả năng gây nên các kích ứng da, đặc biệt là với những vùng da nhạy cảm như da mặt, da vùng cổ, ngực.
Tiêm Corticosteroid
Nếu tình trạng sẹo ở mức độ nặng hơn, bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm Corticosteroid để giảm các triệu chứng ngứa và đau, đồng thời làm giảm kích thước của sẹo lồi và sẹo đại phì. Cách này đem lại hiệu quả điều trị cao hơn so với việc dùng nguyên liệu tự nhiên và thoa thuốc Tây.
Xem thêm:
- Sẹo lồi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sẹo hiệu quả
Tuy nhiên phương pháp tiêm Corticosteroids tiềm ẩn nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ như da mỏng yếu hơn, có thể xuất hiện các vết nám, đồi mồi tại vị trí tiêm, sẹo có thể bị tái lại,… Do đó, bạn hãy cân nhắc kỹ càng và lắng nghe sự tư vấn của bác sĩ trước khi quyết định lựa chọn phương pháp điều trị.
Laser tái tạo da
Phương pháp này hiện nay rất phổ biến trong ngành thẩm mỹ nhờ hiệu quả điều trị cao lại không gây tổn thương da quá nhiều. Đây là cách sử dụng công nghệ Laser nhằm kích thích da sản sinh collagen, nhanh chóng hồi phục vết thương, nhanh hình thành lớp da mới, làm đầy những vết sẹo lõm.
Nhờ những tác dụng tích cực, liệu pháp này thường được áp dụng cho vùng da mặt, không chỉ giúp điều trị sẹo thâm, sẹo lồi, lõm do mụn trứng cá mà còn giúp da căng bóng, trắng sáng và mềm mịn hơn.
Mỗi liệu trình Laser có thể kéo dài trong khoảng 15-30 phút, tùy thuộc vào diện tích vùng da cần thực hiện. Trước khi bắt đầu tiến hành laser, bác sĩ chắc chắn phải gây tê tại chỗ cho bạn để không gây cảm giác đau cho bệnh nhân. Sau mỗi buổi trị liệu khoảng 5-10 ngày, da có thể lành lặn và phục hồi để sẵn sàng cho buổi trị liệu Laser tiếp theo. Tùy vào tình trạng sẹo mà bạn có thể phải làm nhiều hay ít buổi.
Phẫu thuật điều trị sẹo
Phẫu thuật da liễu cắt sẹo có thể được bác sĩ chỉ định trong trường hợp vết sẹo gây cản trở khả năng cử động cơ, khớp. Phương pháp này giúp làm giảm kích thước sẹo, liền sẹo nhanh hơn, đem lại hiệu quả khá tốt. Song, vết sẹo vẫn có thể bị tái phát sau một thời gian thực hiện phẫu thuật nên đây chỉ là giải pháp được lựa chọn khi những cách điều trị khác không khả quan.
Đối với một số phẫu thuật điều trị những vết sẹo trứng cá nặng thì phương pháp này có thể không loại bỏ được hoàn toàn vết sẹo mà chỉ cải thiện chúng một cách tích cực hơn. Dấu vết sẹo còn lại sẽ bị mờ dần theo thời gian.
Xạ trị
Xạ trị là một phương pháp điều trị sẹo không phổ biến mặc dù hiệu quả điều trị đem lại rất cao. Nó có thể làm giảm kích thước của sẹo lồi, giảm các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu ngay trên bề mặt vùng da bị tổn thương. Đặc biệt không có nguy cơ sẹo bị tái phát như phương pháp phẫu thuật.
Thế nhưng, giải pháp này chỉ được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị sẹo quá nặng, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động mà những giải pháp điều trị khác thất bại. Lý do là vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư cho da cho bệnh nhân sau nhiều năm điều trị. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phải chịu một số tác dụng phụ khác như vùng da điều trị bị ngứa, sưng đỏ, xuất hiện chấm đen, đồi mồi,…
Điều trị sẹo ở đâu uy tín hiện nay?
Hiện nay, với nhu cầu thẩm mỹ cao, việc điều trị sẹo đã trở nên rất phổ biến tại nhiều cơ sở phòng khám, bệnh viện, thẩm mỹ viện trên cả nước. Nhằm đạt hiệu quả điều trị thành công, người bệnh nên tìm hiểu kỹ để lựa chọn địa chỉ trị sẹo. Dưới đây là một số cơ sở da liễu có dịch vụ điều trị sẹo uy tín, chất lượng cao.
Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á
Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á (Thẩm mỹ viện Đông Á) là một trong những hệ thống thẩm mỹ lớn tại miền Bắc. Nơi đây được trang bị toàn bộ các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại cùng đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn cao.
Hiện tại, bệnh viện cung cấp các dịch vụ đa dạng như phẫu thuật chỉnh sửa vóc dáng, khuôn mặt, chăm sóc da,… Với việc điều trị sẹo, Thẩm mỹ viện Đông Á đang áp dụng phương pháp tiêm dung dịch tiêu sẹo bằng công nghệ ánh sáng vi điểm 3D.
Địa chỉ: Số 212 Kim Mã, Q.Ba Đình, Hà Nội.
Bệnh viện Da liễu Hà Nội
Bệnh viện Da liễu Hà Nội là cơ sở chuyên khoa hàng đầu về da liễu tại Việt Nam. Nơi đây có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong chữa trị các vấn đề về da liễu. Hiện tại, với dịch vụ điều trị sẹo, bệnh viện đang áp dụng phương pháp Laser Fractional CO2 có công nghệ hiện đại, đem lại nhiều ưu điểm nổi bật so với các liệu pháp Laser thông thường khác.
Laser Fractional CO2 dùng tia laser để tạo ra các tổn thương vi điểm nhằm kích thích da sản sinh collagen, tái tạo và phục hồi, làm mờ vết sẹo nhanh hơn. Đây được coi là bước đột phá quan trọng trong điều trị sẹo của nền y khoa thẩm mỹ.
Địa chỉ: 79B, Đường Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội.
Viện Da liễu Hà Nội – Sài Gòn
Viện Da liễu Hà Nội – Sài Gòn là đơn vị đi đầu trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp toàn diện kết hợp giữa y học cổ truyền và công nghệ hiện đại. Nơi đây quy tụ đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp.
- Viện Da liễu Hà Nội – Sài Gòn mang lại giải pháp điều trị sẹo hiệu quả vượt trội
Với thế mạnh kết hợp thảo dược thiên nhiên lành tính với công nghệ thẩm mỹ hiện đại, Viện Da liễu Hà Nội – Sài Gòn luôn mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất từ điều trị da liễu cho đến chăm sóc da toàn diện. Từ đó giúp khách hàng khỏe đẹp từ bên trong, có được vẻ ngoài rạng rỡ.
Với việc điều trị sẹo, Viện Da liễu áp dụng công nghệ hiện đại kết hợp cùng việc kê đơn thuốc Đông y để bệnh nhân sử dụng, nhằm giúp vết thương nhanh lành, việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.
Một số lưu ý khi điều trị và chăm sóc sẹo
Để việc điều trị và phục hồi sẹo thành công, trong quá trình thực hiện trị liệu và chăm sóc vùng da bị tổn thương, người bệnh cần chú ý:
- Giữ vệ sinh vùng da đang điều trị sẹo cẩn thận bằng cách tránh tham gia các hoạt động thể thao đổ nhiều mồ hôi.
- Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm dưỡng da nào ngoài thuốc bôi trị sẹo lên vùng da đang điều trị nhằm tránh gây kích ứng hoặc giảm hiệu quả điều trị.
- Kiêng các thực phẩm như cơm nếp, thịt gà, trứng, rau muống, thịt bò, hải sản, đồ tanh, đồ ăn cay nóng,…
- Không sử dụng các thực phẩm, đồ uống có chứa các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia,…
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày để da nhanh phục hồi.
- Ngủ sớm (trước 23h) và ngủ đủ giấc mỗi đêm (7-8 tiếng) để da có thời gian phục hồi.
Với bài viết này, bạn đọc đã nắm được những thông tin cơ bản nhất về sẹo và những phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Nếu bạn đang gặp bất cứ sự tổn thương nào trên da, lời khuyên dành cho bạn là hãy điều trị sớm nhất có thể để loại bỏ nguy cơ hình thành sẹo sau khi vết thương lành.
Bài viết cùng chuyên mục:
- Bật mí 14 kem trị sẹo lồi được nhiều người dùng nhất hiện nay
- Review 19 loại kem trị sẹo tốt nhất được các chuyên gia da liễu khuyên dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!